TUẦN TRIỆT

TUẦN TRIỆT

Tuần Triệt là những bộ sao cuối cùng trong khoa tử vi do Tử Vi Cải Mệnh biên soạn. Sao Tuần Và Triệt rất khó hiểu với nhiều người, tuy nhiên qua bài viết dưới đây của chúng tôi, các bạn sẽ có cái nhìn đa chiều và dễ hiểu hơn rất nhiều.

Ngũ hành:

Triệt thuộc Kim.

Tuần thuộc Hỏa.

Hóa khí: Tùy Tinh.

Đặc tính:

Triệt: Bế tắc, ngăn trở, chướng ngại, chặn đứng, phá hủy.

Tuần: Sự trắc trở, dai dẳng, xoay trở bao giờ cũng chậm chạp.

Ý nghĩa chung của Tuần – Triệt

Tuần và Triệt là hai sao trong bộ tứ Không bao gồm Địa Không, Thiên Không, Tuần Không và Triệt Không. Tuần có tên gọi đầy đủ là Tuần Trung Không Vong và Triệt là Triệt Lộ Không Vong. Theo ý nghĩa Hán Việt thì Không” có nghĩa như sự hư rỗng, trống không, không có gì cả…”Vong” có nghĩa là là mất, trốn, chết, bị tiêu diệt, đi vắng…Qua đó, với cái tên chung cùng là “Không Vong”, Tuần – Triệt có ý nghĩa như một sự ngăn trở, chặn đứng, trừ bỏ không cho ai ra, không cho ai vào tại nơi nó đóng, một bức tường thành chặn đứng giữa con đường ngăn chặn mọi giao thông đi qua, không cho một kẻ bên ngoài nào động vào…Nếu nơi đó đang phồn thịnh, tốt tươi, nhiều cát tinh chiếm đóng thì quá ư là một điều đáng tiếc, mọi sự tốt đẹp đều bị ngăn trở, hạn chế, không cho được bộc phát ra ngoài…Ngược lại, tại những nơi có sát bại tinh đánh phá, chiếm đóng thì Tuần – Triệt quả là một trại cải tạo hữu ích, một nơi giam giữ, không cho những kẻ lưu manh, gian trá kia được cơ hội gây hại, ảnh hưởng tới những người vô tội xung quanh (các cung còn lại). Ngoài ra, đặc tính Tuần – Triệt có tác dụng lên toàn diện, không có biệt lệ, tức là sao này chi phối tất cả các sao đồng cung với chúng, không vị nể một sao nào hay một cung nào. Do đó mà tại một nơi có cả sao tốt lẫn sao xấu thì ảnh hưởng của Tuần – Triệt cũng trở nên nửa xấu nửa tốt, xấu vì giảm chế tác dụng của những cát tinh mà cũng tốt vì ngăn chặn được những cái xấu xuất hiện…

Tuần và Triệt có mối quan hệ như anh em ruột thịt, cùng ý nghĩa về sự ngăn cản, trắc trở tại nơi mình đóng nhưng Triệt Không thường thể hiện tính cách như một người anh cả có tính cách mạnh bạo và dữ dội hơn người em là Tuần Không. Nếu như Tuần Không báo hiệu sự khó khăn, ngăn trở, chiếc phanh xe làm tốc độ chậm dần lại thì Triệt Không báo hiệu sự bế tắc, chướng ngại lớn, sự lụi bại nặng nề, là bức tường chắn ngang giữa đường không cho kẻ nào đi qua…Nhưng ngược lại, theo thời gian về lâu về dài thì sức ảnh hưởng của Tuần Không ngày càng trở nên mạnh mẽ và nặng nề hơn, Triệt Không thì chỉ mạnh cho tới khoảng 30 tuổi, tuổi tam thập nhi lập, giai đoạn mà từ đó con người có thể tự lập, không còn chịu ảnh hưởng nặng của gia đình, có thể vùng vẫy, tự do, tha hồ làm những điều mà trước kia tuổi trẻ chưa thể làm được…Ở một khía cạnh khác, mối quan hệ khăng khít giữa Tuần và Triệt còn được thể hiện là khi vào vận có Tuần Không thì Triệt Không sẽ được mở, tạm thời loại bỏ các tác dụng của Triệt Không trong thời gian của vận đó và ngược lại khi vào vận Triệt sẽ mở Tuần. Khi đó nơi được mở khóa có thể tha hồ tung tăng, bay nhảy mặc sức, không lo bị cản trở như xưa, nhưng nếu nơi đó hội quá nhiều sát bại tinh thì phải thật dè chừng vì có thể tai họa cũng sắp tới gần…

Tuần – Triệt cũng ưa khi tọa thủ tại những cung vô chính diệu, có tác dụng như một chiếc mỏ neo giúp con thuyền không có người lái trở nên vững chắc hơn, bớt cảm giác chông chênh, bồng bềnh trên sông, trên biển… Một cung vô chính diệu là một nơi vô chủ, không có chính tinh tọa thủ, thường hay bị lung lay, xoay chuyển bởi những tác nhân bên ngoài, qua đó Tuần – Triệt biến thành một bức tường vững chắc, kiên cố, luôn bảo vệ nơi chúng đóng khỏi những tác nhân bên ngoài xung phá, tác động, bền bỉ với thời gian…Nếu vô chính diệu mà được Tứ Không (Tuần, Triệt, Thiên Không, Địa Không) thì rất đẹp, được Tam Không thì đẹp, đươc Nhị Không thì tầm thường, còn chỉ Nhất Không thì kém.

Trong phú Tử Vi có câu:“Triệt đáo kim cung, Tuần lâm hỏa địa” có ý nghĩa ám chỉ sao Triệt Không có vị trí đắc địa tại hai cung gồm Thân – Dậu ứng với hai tuổi can Giáp – Kỷ và sao Tuần Không đắc địa tại hai cung Tị – Ngọ ứng với tuần thủ Giáp Thân và Giáp Ngọ. Tại vị trí đắc địa này, Tuần – Triệt thường chỉ ngăn trở, chặn đứng những sát bại tinh hoặc những sao có tính chất gây hại bên trong không cho bộc lộ ra ngoài, ngược lại với các cát tinh thì được tiếp tục phát huy mà không hề động chạm tới. Chính vì vậy mà người ta thường rất ưa thích khi Tuần – Triệt đứng tại đúng vị trí đắc địa của nó, thật không gì tốt bằng.

Tóm lại, có thể thấy hai sao Tuần – Triệt là hai trung tinh chuyên về sự ngăn trở, giảm chế, ngăn cản mọi thứ tại nơi nó đóng, chính vì vậy mà chúng thường ưa khi đóng tại những nơi nào có nhiều sát bại tinh, những nơi có nguy cơ phát ra tai họa, bệnh tật như cung Tật Ách, đi cùng cát tinh thì cũng giảm chế đi nhiều tác dụng. Do đó mà có thể đánh giá Tuần – Triệt có tính chất nửa tốt nửa xấu, ta phải tùy thuộc vào vị trí cung tọa thủ và các sao đi kèm thì mới có thể xét đoán được thật rõ ràng và chính xác…

Ý nghĩa sao Tuần Triệt ở cung Mệnh

“Tuần Triệt niên đầu, thiếu niên tân khổ”

Câu phú trên ám chỉ những ai có Tuần – Triệt thủ cung Mệnh thì tuổi trẻ thường dễ hay phải lận đận, nghèo, cực, bôn ba, đau ốm, công việc học tập gặp trắc trở, nhất là khi Tuần Triệt đi theo hai đại vận đầu đời của đương số. Tuy nhiên trường hợp này vẫn có ngoại lệ khi cung Mệnh đắc Tuần Triệt hợp cách, cung Phúc, Phụ Mẫu, Huỵnh Đệ đẹp thì cũng không sao cả.

Tuần – Triệt thủ cung Mệnh là người thường ít nói, lầm lỳ, không thích bộc lộ ra ngoài, cất giấu mọi thứ bên trong. Bản thân tuổi trẻ hay gặp nhiều trắc trở, ngăn cản nên dễ trở nên trầm tính, không muốn chia sẻ ra bên ngoài là vì như vậy.

Tuần – Triệt thủ cung Mệnh có nhiều sát bại tinh đánh chiếm thì trở thành người nóng tính, nhiều mưu mô nhưng kiểm soát được mình, không để cho những tật xấu, thủ đoạn trong mình được bộc lộ ra, thành một người rất giỏi, khó ai có thể qua mắt được mình.

Tuần – Triệt thủ cung Mệnh và cung Phụ Mẫu thì có thể mồ côi sớm hay sớm ra đời để lập nghiệp.

Người sinh bất phùng thời, tuổi trẻ dễ gặp những tai họa bất ngờ ập xuống, gặp nhiều cảnh trớ trêu, càng lớn lên khi tác dụng của Triệt giảm dần thì mọi thứ sẽ trở nên tốt hơn, còn Tuần thì càng ngày cản trở càng mạnh mẽ hơn, đeo bám đến suốt cuộc đời.

Advertisements

Nam nhân thường ưa Triệt hơn Tuần, nữ nhân thường ưa Tuần hơn Triệt. Nam gặp Tuần thì càng về già càng gặp nhiều gian truân, cản trở khó ngóc đầu lên được, gặp Triệt thì chỉ khó khăn tuổi trẻ, tạo nên nhiều ý chí quyết tâm thay đổi.

Nếu vô chính diệu có đắc Tứ hay Tam Không thì làm nên danh phận nhưng không bền, tuổi niên thiếu vất vả.

Tử Vi, Thiên Tướng gặp Tuần – Triệt thì kém, là người dễ hay gặp tai nạn, ốm đau…người dễ nhụt trí, hay thay đổi, công danh không cao, dễ có nhiều lần bị mất chức, đuổi việc…

Sao Tham Lang gặp Triệt thì giảm thọ.

Ý nghĩa Tuần Triệt ở các cung khác

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Phụ Mẫu

Tuần – Triệt thủ cung Phụ Mẫu thì mẹ cha mất sớm, nhất là nếu Nhật, Nguyệt lạc hãm hay bị Không Kiếp chiếu. Cần cân nhắc với hai sao Nhật, Nguyệt và cung Phụ Mẫu có Tuần, Triệt.

Tuần – Triệt thủ cung Phụ Mẫu thì cha mẹ vất vả, hay gặp cản trở, chướng ngại trong cuộc đời. Chỉ tốt khi đu cùng chính tinh hãm địa hoặc cung vô chính diệu.

Nếu là người âm dương thuận lý thì tuổi trẻ thường hay gặp khó khăn, cản trở trên con đường học tập, công danh.

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Phúc Đức

Cung Phúc Đức không ưa Tuần – Triệt tọa thủ, chỉ tốt khi có nhiều sát tinh, chính tinh hãm địa hoặc vô chính diệu.

Phần phúc đức bị trục trặc trên phương diện nào đó.

Triệt, Dương thỉ dòng họ thất tự, phải lập con nuôi.

Tuần – Triệt cư cung Phúc thì đương số khó được nhận những may mắn, phúc phần mà tổ tiên để lại.

Giảm bớt lương duyên, may mắn, dễ muộn vợ muộn chồng.

Mồ mả tổ tiên thường kém, đặt tại vị trí không đẹp, hay bị gì đó vây quanh hoặc chắn ngang phía trước mặt.

Triệt đóng cung Phúc thì tuổi trẻ không được nhiều may mắn, phải tự tôn bồi phúc đức thì càng về già càng được hưởng những phước đức ý. Tuần thì ngược lại, càng lớn càng kém may mắn, ít được tổ tiên phù trợ.

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Điền Trạch

Tuần – Triệt đóng cung Điền thì giảm chế hoặc không có tài sản, hoặc chỉ có trong một giai đoạn nào đó, tài sản có nhưng không đứng tên mình.

Người làm ra của nhưng phải chật vật.

Triệt cư Phúc – Điền thì không được hưởng di sản tổ phụ để lại, cư Điền – Quan thì tuổi trẻ vất vả, khó tích lũy được tiền bạc của cải.

Tuần cư Phúc – Điền thì nhà cửa thường dễ của tổ tiên để lại, khó bán được, chỉ sử dụng được để ở và thờ cúng tổ tiên. Cư Điền – Quan thì công việc có thể tích lũy được của cải, tài sản nhưng hay bị hao hụt, hao mất đi một phần, càng về già càng khó tích tụ.

Triệt cư Điền thì nhà thường ở ngã ba, ngã tư đường, Tuần cư Điền thì nhà thường dễ ở cuối ngõ, cuối hành lang chung cư, nhà được vây quanh bởi tường rào, hàng xóm xung quanh, khó tiếp cận.

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Quan Lộc

Tuần – Triệt cư cung Quan thì công danh lận đận, khó nhọc mới làm nên.

Người phải chịu vất vả trong một thời gian, công danh thường khó cao.

Thiên Tướng, Triệt, Tuần thì dễ có thể bị bãi chức, hay bị tai nạn trong công vụ.

Tuần cư cung Quan thì công việc không thuận lợi nhưng cũng khó bỏ, để thì buồn mà cắt thì đau.

Triệt cư cung Quan – Nô thì trong công việc không tạo ra được mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp, cấp dưới, khó phát triển.

Tuần cư cung Quan – Nô thì công việc hay liên quan, dính dáng nhiều tới bạn bè đồng nghiệp, đôi khi vì họ mà công danh khó có thể lên cao, hay gặp sự cố, cản trở.

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Nô Bộc

Tuần – Triệt thủ cung Nô có nghĩa là tôi tớ thay đổi, ra vào luôn, không ai ở lâu dài.

Triệt cư Nô – Di thì ra ngoài ít bạn ít bè, không hay giao tiếp, quan hệ với ai, lúc có việc cần thì không có ai bên cạnh.

Tuần cư Nô thì ra ngoài ít bạn, chỉ chơi thân với một số người thôi, càng về già càng ít bạn.

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Thiên Di

Tuần – Triệt cư cung Di thì là người ít ra ngoài, ra ngoài ít quan hệ, giao tiếp, đặc biệt là khi có Tuần – Triệt tại 2 cung Nô – Di.

Tuần – Triệt tại 2 cung Di – Tật thì lại tốt, người ra ngoài cẩn trọng nên ít dính tai vạ, bệnh tật.

Người ra ngoài hay đi xa dễ hay gặp vấn đề, gặp chuyện để rồi lại phải quay về nhà.

Người đi làm ăn xa thường không hay được thuận lợn, hay gặp cản trở, tai vạ ở bên ngoài.

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Tật Ách

Rất cần có Tuần – Triệt tại cung Tật Ách vì nhờ hai sao này mà bệnh, tật và họa sẽ tiêu tán hay giảm thiểu đi rất nhiều, sức khỏe và may mắn sẽ được bảo đảm nhiều hơn.

Triệt cư cung Tật thì đánh tan bệnh tật, tai họa đi.

Tuần cư cung Tật thì ngăn cản, giữ nguyên không cho bệnh tật hay tai họa phát triển, tái phát, do vậy mà cung Tật vẫn thường ưa Triệt hơn.

 

 

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Tài Bạch

Tuần – Triệt cư cung Tài thì làm cản trờ khả năng kiếm tiền, khả năng thu nhập của đương số.

Người không có tài sản, hoặc chỉ có trong một giai đoạn nào đó, làm ra của nhưng phải chật vật.

Tuần – Triệt cư Tài – Tật thì tuy đồng tiền kiếm ra chậm, ít nhưng hạn chế được khả năng dính tới tai họa, bệnh tật đi cùng.

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Tử Tức

Tuần – Triệt cư cung Tử thì sát con, nhất là con đầu lòng.

Người sinh con đầu lòng khó khăn, khó nuôi.

Tuần thủ cung Tử Tức thì thường chậm trễ có con, gặp nhiều vấn đề ngăn trở. Triệt thủ cung Tử thì thường dễ xảy thai, hao hụt con cái.

Con cái hay gặp trắc trở sau này, ở xa cha mẹ.

Tuần cư cung Tử – Phối thì chậm vợ chậm chồng nhưng cưới thường dễ được cả trâu lẫn nghé.

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Phu Thê

Tuần – Triệt thủ cung Phu Thê nói lên sự trắc trở hôn nhân, nhất là sự thất bại của mối tình đầu.

Lấy người khác làng, khác tỉnh mới tốt, nhưng nhân duyên phải gặp khó khăn.

Triệt gặp Mã: Vợ chồng bỏ nhau rất dễ dàng, vợ chồng ôm con bỏ về nhà.

Triệt cư cung Phối thì dễ có lần tưởng sắp cưới rồi lại thôi.

Ý nghĩa sao Triệt Không ở cung Huynh Đệ

Tuần – Triệt cư cung Huynh Đệ thì anh chị em xung khắc hoặc ít anh chị em.

Triệt thì dễ có anh cả, chị cả mất sớm.

Ý nghĩa sao Triệt Không đi cùng các sao khác

Tuần – Triệt đi cùng Thiên Tướng, Tướng Quân, Quốc Ấn thì công danh không cao, treo cao thì ngã đau, dễ bị sa thải, mất chức…

Triệt đi cùng Thiên Tướng, Tướng Quân, Tử Vi thì dễ dính tai họa nguy hiểm tới tính mạng.

Triệt đi cùng Tham Lang thì giảm thọ

Tuần – Triệt đi cùng Cự Môn Tý Ngọ thành cách thạch trung ẩn ngọc, trở thành con người vô cùng thông minh và sắc sảo, giảm chế đi cái thị phi, nói nhiều của Cự Môn.

Tuần – Triệt đi với Thái Âm Thái Dương hãm địa thì tốt, làm tăng sáng cho Âm Dương.

Tuần – Triệt đi cùng Thiên Phủ thì thành cách Phủ phùng Không, chủ về cái kho rỗng, khó tích lũy được tài sản, của cải.

Ý nghĩa sao Triệt Không đi vào các hạn

Hạn vào Triệt thì mở Tuần, vào Tuần thì mở Triệt.

Nếu gặp sao sáng sủa thì hạn lại trở nên mờ ám, mưu sự trắc trở, thất bại.

Nếu gặp sao xấu xa thì hạn được trở nên sáng sủa, dù có gặp trắc trở ban đầu.

Đặc biệt cung Hạn gặp Tuần, Triệt rất đáng lưu ý vì hai sao này có hiệu lực mạnh ở các đại, tiểu hạn.

Tóm lại, Tuần Triệt là hai sao hết sức quan trọng, chi phối các cung, các sao, có thể biến tốt thành tương đối xấu, biến xấu thành tương đối tốt. Hiệu lực nghịch đảo đó có thể làm lạc hướng luận đoán nếu sự cân nhắc không tinh vi.

Luận Tuần Triệt, Mệnh Tuần Thân Triệt & Mệnh Triệt Thân Tuần

Trong 118 vì sao của khoa Tử Vi có hai sao được xem là đặc biệt nhất. Đó là sao Tuần và Triệt. Tuần Triệt (TT) an theo năm sinh và hàng can của năm sinh, và đặc biệt là vị trí của Tuần Triệt nằm giữa ranh giới của hai cung chứ không tọa thủ trong một cung nào như các sao khác. Bao ngườ học tử vi , tứ hoá tam hoá còn trôi nhưng đến tuần triệt này là ngắc ngứ và muốn bỏ cuộc

Hàm ý rõ ràng nhất của tuần triệt là làm giảm đi hoặc mất đi gần hết .. Vậy nếu tuần triệt đóng cung mệnh thân thì chắc chắn đương số hút chết thập tử nhất sinh 1 lần . .. Tuần triệt không đúng cách dễ làm người gục ngã trước nghịch cảnh hay cái ngáng chân té sấp mặt của số phận .

Thêm nữa khi tuần triệt tích tụ thì đúng câu. Càng cao danh vọng càng nhiều thương đau . Hay tột đỉnh vinh quang – Tận cùng cay đắng .

Nhưng cung. có tuần triệt tháo gỡ , chặn đầu hay đuôi . Nào mời các bạn nhâm nhi nghĩ về Tuần Triệt nhé

Ngũ Hành của Tuần Triệt

Điểm đặc biệt thứ hai là vị trí đắc hãm và hành của chúng. Đây cũng là một vấn đề tranh cãi rất nhiều. Có người cho rằng Tuần thuộc hành hỏa và Triệt hành kim. Cũng có người cho rằng Tuần và Triệt đều hành thủy. Một số khác lại cho rằng Tuần và Triệt không có hành cố định, đóng ở cung nào thì mang hành của cung đó. Như vậy, lập luận này sẽ đưa đến kết qủa là Tuần Triệt có lúc chỉ có một hành trong trường hợp chúng đóng giữa hai cung Thân và Dậu đều thuộc hành kim. Nhưng giả sử Tuần Triệt đóng giữa hai cung Ngọ và Mùi thì thì Tuần Triệt phải mang hai hành Hỏa của cung Ngọ và Thổ của cung Mùi. Xét cho cùng, điều này xem ra không hợp lý lắm. Khi nói về ngũ hành, ví dụ như nói về hành của một hướng, như Đông Nam thì chúng ta nói là Mộc đới Hỏa, hoặc hành của Phượng Các là Mộc đới Thổ chứ không thấy ai nói vừa mang hành Mộc và mang hành Thổ. Chữ “đới” ở đây có nghĩa là “nghiêng về” hay “thiên về” Trong cuốn tử vi Ảo Bí của Việt Viêm Tử, tác giả cho rằng Triệt có hành Kim đới Thủy và Tuần có hành Hỏa đới Mộc. Về những vị trí đắc hãm của Tuần Triệt thì cũng có người cho rằng TT chỉ đắc địa ở Tỵ Ngọ và Thân Dậu, còn những vị trí khác đều hãm địa. Nhưng điều này cũng không hợp lý vì chúng ta biết Triệt không đóng ở Tỵ Ngọ.

Và cũng theo quan điểm này thì nếu TT đắc địa sẽ không tác hại, còn nếu hãm địa thì sẽ tác hại. Đây là điều không hợp lý thứ hai. Sau khi nói đến ý nghĩa của hai sao TT dưới đây, chúng ta sẽ thấy bản chất của TT là như thế nào. Tóm lại, người viết đồng ý với quan điểm của Thái Thứ Lang, tác giả của cuốn Tử Vi Đẩu Số Tân Biên, “hai sao Tuần Triệt không có những vị trí đắc địa hay hãm địa và cũng không thuộc một hành nào trong ngũ hành.” Đầu tiên chúng ta thấy rằng, chỉ với cái tên của hai sao này cũng đã nói lên rất nhiều ý nghĩa. Tuần có nghĩa là tuần tiểu, tuần phòng, canh giữ, vây hãm. Triệt là chặc đứt, phá tan, tiêu tán, làm mất hết. Từ đó, hai sao TT vừa đóng vai trò vừa chính vừa tà, vừa thiện vừa ác đối với các sao trong cung mà chúng trấn đóng. Khi nói đến ảnh hưởng của TT, có hai quan điểm khác nhau.

Ảnh hưởng của Tuần Triệt đến các sao và cung

Quan điểm thứ nhất cho rằng TT làm đảo ngược ý nghĩa tốt xấu của tất cả những sao trong hai cung mà chúng đóng. Ví dụ: một sao đắc địa gặp TT thì những đặc tính tốt đẹp của sao này bị mất đi và trở nên hãm. Ngược lại nếu sao hãm địa gặp TT thì lại trở nên tốt đẹp giống như đắc địa. Như vậy thì uy lực của TT qúa lớn vì TT không phải chỉ ảnh hưởng lên 1 sao mà chúng ảnh hưởng lên tất cả các sao mà chúng trấn đóng. Quan điểm đảo ngược này chúng ta thấy trong một vài trường hợp đặc biệt. Ví dụ: Liêm Tham ở Tỵ, Hợi rất xấu, nhưng nếu gặp TT thì trở nên tốt đẹp, và được gọi là phản vi kỳ cách, đổi xấu thành tốt. Quan điểm thứ hai thì cho rằng TT không hề đảo ngược ý nghĩa của các sao trong vòng ảnh hưởng của chúng, mà chỉ giảm bớt những đặc tính tốt xấu của các sao. Theo thiển ý của người viết, quan điểm này xem ra có phần hợp lý hơn. Tỉ lệ chiết giảm của Triệt tuy rất cao nhưng cũng chưa đếm mức độ 100% để có thể thay đổi hẳn bản chất của một sao nào đó. Hơn nữa, cũng có trường hợp những sao đắc địa mà gặp TT thì lại càng tốt hơn chứ không hề bị đảo ngược, như trường hợp Cự Cơ ở hai cung Tí Ngọ (Thạch Trung Ẩn Ngọc) là ngọc còn ẩn trong đá, nếu gặp TT phá vỡ cho ngọc lộ ra bên ngoài thì càng đúng cách.

Khi nói về mẫu người Mệnh Tuần Thân Triệt hay Mệnh Triệt Thân Tuần, Thái Thứ Lang đã gián tiếp xác định mức độ ảnh hưởng của TT nói chung. Theo Thái Thứ Lang, người Mệnh Tuần Thân Triệt cần có Cơ Nguyệt Đồng Lương đắc địa thứ mệnh thì cuộc đời về già mới được xứng ý toại lòng. Như vậy chúng ta có thể ghi nhận một điều, đối với Tuần, thà có chính tinh đắc địa để chấp nhận mức độ tốt bị giảm bớt còn hơn là gặp chính tinh hãm địa rồi trông chờ Tuần làm cho tốt đẹp. Đối với người Mệnh Triệt Thân Tuần thì Thái Thứ Lang cho rằng, Mệnh cần phải Vô Chính Diệu thì lúc về già mới được xứng ý toại lòng. Như vậy chúng ta thấy rằng, ảnh hưởng của của Tirệt mạnh mẽ hơn Tuần nhiều, cho nên cung Mệnh thà không có chính tinh vẫn còn tốt hơn có chính tinh, dù đắc hay hãm địa. Trên thực tế chúng ta thấy hai sao TT không có uy lực để thay trắng đổi đen một cách hoàn toàn, chẳng hạn, một người có Thái Dương đắc địa thủ Mệnh gặp TT thì bản tính của người này không thể trở thành giống bản tính của người có Địa Kiếp thủ Mệnh được. Nói một cách khác, TT chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ trên lãnh vực công danh, sự nghiệp của đương số chứ không triệt tiêu được bản chất lương thiện của một Thái Dương vốn đã đắc địa. Ngoài ra, ảnh hưởng của TT ở mức độ nào còn tùy thuộc vào ý nghĩa của mỗi sao, hay ý nghĩa của một cách do nhiều sao hợp lại, chứ không hoàn toàn giống nhau.

Chẳng hạn như sao Thiên Hình, Thiên Mã, Thiên Tướng, Tướng Quân…dù đắc hay hãm cũng tối kỵ TT hơn các sao khác bởi vì kiếm gãy, ngựa què, tướng mất đầu…thì tất nhiên là vô dụng. Tương tự, Thất Sát ở Dần thân là người anh hùng một mình một kiếm, nhất hô bá ứng, nhưng gặp Triệt lại trở thành anh hùng gãy kiếm. Tuy vậy, cũng có những trường hợp đặc biệt, ví dụ như hai sao Cự Cơ ở Tí Ngọ như chúng ta đã nói ở trên. Vì ý nghĩa của cách Thạch Trung Ẩn Ngọc cho nên TT lại rất cần thiết. Chúng ta vừa nói đến ảnh hưởng của TT trên các sao, còn ảnh hưởng của TT trên các cung thì như thế nào? Có phải sự ảnh hưởng của TT trên hai cung mà chúng trấn đóng đều như nhau?

Điều này chúng ta cũng có hai quan điểm:

  1. Ảnh hưởng của TT trên mỗi cungnặng hay nhẹ còn tùy thuộc đương số là Dương Nam, Âm Nữ hay là Âm Nam, Dương Nữ. Nói một cách khác là theo chiều của vòng đại hạn của mỗi lá số. Ví dụ: Lá số có vòng đại hạn đi theo chiều thuận, có nghĩa là từ cung Mệnh rồi qua Phụ Mẫu, Phúc Đức v.v… Và nếu Triệt đóng giữa cung Mệnh và cung Huynh Đệ, như vậy chúng ta nói là Triệt chặn đầu cung Huynh Đệ và vuốt đuôi cung Mệnh. Khi nói Triệt chặn đầu một cung nào thì ảnh hưởng của Triệt ở cung đó sẽ mạnh hơn đối với cung mà Triệt vuốt đuôi, và tỉ lệ ảnh hưởng được xác định cũng theo nguyên tắc Âm Dương:

Dương hành tam thất (3/7) Âm quy nhị bát)2/8) Như vậy, nếu theo chiều thuận của vòng đại hạn thì cung nào bị TT chận đầu sẽ chịu ảnh hưởng 7 phần, nếu đi ngược sẽ chịu ảnh hưởng 8 phần và tương tự các cung xung chiếu hay tam hợp chiếu với các cung có TT đóng cũng chịu ảnh hưởng nặng nhẹ theo nguyên tắc này.

  1. Ảnh hưởng của TT phân phối đều trên hai cungmà chúng trấn đóng chứ không có cung nào nặng hơn cung nào như ý nghĩa của quan điểm thứ nhất. Người viết đồng ý với quan điểm thứ hai vì chúng ta thấy rằng ảnh hưởng của TT chỉ khác nhau trên các cung có chính tinh mà thôi. Thường những cung có chính tinh không nên gặp TT. Trái lại, những cung nào VCD thì lại rất cần có TT. Trong trường hợp này TT đóng vai trò của một người giám hộ để bảo vệ cho một gia đình không có gia chủ. Từ đó, chúng ta rút ra một hệ luận là ảnh hưởng của TT đối với chính tinh có tầm quan trọng hơn đối với các phụ tinh. Ngoài ra, TT đôi lúc còn đóng hai vai trò khác nhau, một thiện, một ác. Chẳng hạn nếu ba cung tam hợp, gọi là tam phương, bị nhiều sát tinh thủ hay hợp chiếu mà được Triệt đóng thì mọi sự hung hiểm cũng giảm đi rất nhiều.

Ngược lại, bốn cung Mệnh, tài Quan, Di, gọi là Tứ Chính, dù có đắc cách tới đâu nhưng đã gặp Tuần thì cũng xem như bị phá hết: “Tam phương vô sát hạnh nhất Triệt nhi khả bằng. Tứ chính giao phù kỵ, nhất không chi trực phá.” Và trên đây chúng ta mới nói đến vùng ảnh hưởng của TT, còn thời gian ảnh hưởng của hai sao này thì như thế nào? Thường có người cho rằng Triệt ảnh hưởng 30 năm đầu của cuộc đời, Tuần ảnh hưởng 30 năm sau của cuộc đời. Theo thiển ý của cá nhân, Triệt ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong khoảng tiền vận, rồi từ yếu dần ở trung vận và hậu vận. Ảnh hưởng của Tuần thì không có khoảng thời gian nào mạnh hay yếu, cứ ở mức trung bình, đều đặn và bền bỉ từ tiền vận cho đến hậu vận. Trường hợp cung Mệnh có Triệt thì ảnh hưởng của Triệt sẽ như thế nào? Cung Mệnh cũng như các cung khác thông thường có đủ sao xấu và tốt xen lẫn nhau. Có sao đắc địa, có sao hãm địa. Đối với những sao tốt đắc địa thủ Mệnh, đương số sẽ gặp sự bất lợi vì Triệt sẽ làm giảm bớt những ý nghĩa tốt đẹp của các sao này. Sự bất lợi sẽ xảy ra trong thời ky tiền vận của đương số, và sau đó, khi uy lực của Triệt yếu dần thì sự tốt đẹp của các sao tốt sẽ được phục hồi ở một mức độ nào đó mà thôi chứ không thể nào được 100% như trường hợp không bị Triệt.

Ngược lại, trong khoảng tiền vận thì đương số lại được một lợi điểm là, giả sử, nếu có những hung tinh hay sát tinh thủ mệnh, thì nhờ ảnh hưởng của Triệt mà đương số tránh được phần nào những điều không tốt do các hung sát tinh gây nên. Nhưng từ trung vận trở lên, khi Triệt yếu dần, không còn đủ uy lực để trói buộc hung sát tinh nữa, và sự tốt xấu lúc đó chỉ còn tùy thuộc vào công lực của các sao tốt và sao xấu, bên nào mạnh thì chế ngự được bên đó. Nói chung, Triệt đóng tại Mệnh thì tiền vận (từ lúc sinh ra cho đến 32 tuổi đối với người Thủy Nhị Cục, 33 với Mộc Tam Cục, 34 với Kim tứ Cục, …) Thường bị lao đao lận đận và dễ gặp hoàn cảnh mồ côi sớm (trường hợp Triệt đóng giữa hai cung Mệnh và Phụ Mẫu) Trường hợp Triệt đóng tại cung Thân thì ảnh hưởng của Triệt không có gì đáng kể vì uy lực của Triệt mất dần trong khoảng trung vận và hậu vận, có thể xem Triệt như một áng mây, gây rắc rối trở ngại cho đương số những lúc khởi sự một việc gì mới mà thôi. Trường hợp cung Mệnh có Tuần đóng thì tất cả những gì tốt đẹp do các sao tốt mang đến, cũng như những hung họa do hung sát tinh gây ra cho đương số đều giảm xuống ở mức trung bình, và muốn biết cuộc đời của đương số thế nào trong khoảng tiền vận thì chúng ta phải đặt cả tốt và xấu lên bàn cân.

Thường người ta cho rằng Mệnh ứng với tiền vận, nhưng thật ra Mệnh vẫn là cái gốc của đời người, cho nên sau tiền vận, Mệnh vẫn còn ảnh hưởng ở mức độ nhẹ. Như vậy, khi Tuần đóng ở Mệnh, thì sau khoảng thời gian của tiền vận những mức độ tốt hay xấu của cung Mệnh do Tuần chi phối vẫn còn âm hưởng. Nếu Tuần đóng tại cung Thân thì vấn đề tốt hay xấu cũng tương tự như trên. Nếu có khắc thì trong trường hợp này là Tuần chỉ chi phối trong khoảng thời gian trung vận và hậu vận mà thôi. Nếu cả Tuần và Triệt cùng đóng ở cung Mệnh hay cung Thân thì thế nào? Điều này cũng có hai ý kiến khác nhau.

Tuần triệt đồng cung

1.Một số cho rằng khi TT gặp nhau thì sẽ tự hoá giải cho nhau và hai cung đó xem như không có mặt của TT nữa. Điều này xét ra không hợp lý lắm bởi vì khoa Tử vi không có những sao nào cùng nhóm lại triệt tiêu nhau. Những sao cùng nhóm luôn hỗ trợ cho nhau, tốt thì tốt thêm, xấu thì xấu hơn. Chẳng hạn như Nhật Nguyệt gặp Xương Khúc, hay hủy hại nặng nề khi Không Kiếp gặp thêm Hỏa Linh. Chỉ có những sao khác nhóm mới khắc chế nhau như Thiên Hình khắc chế và làm giảm đi sự lẳng lơ của Đào Hoa.

  1. Mệnh có cả TT như một nhà tù có hai ông cai ngục.Ông chính là Triệt, ông phụ là Tuần. Hết khoảng thời gian của tiền vận khi Triệt về hưu thì cũng còn ông Tuần cai quản, chứ không hề nhà giam được bỏ ngỏ. Sau hết, trường hợp chúng ta muốn nói ở đây là những lá số có Tuần đóng ở Mệnh và Triệt đóng ở Thân mà chúng ta thường nghe là mẫu người Mệnh Tuần Thân Triệt, hay trường hợp Mệnh Triệt Thân Tuần, thì cuộc dời của hai mẫu người này như thế nào? Để có câu trả lời, cách tốt nhất là chúng ta để lên bàn cân từng phần một rồi cộng trừ các số thành với nhau để có đáp số cuối cùng. Mệnh có Tuần đóng, nếu Mệnh tốt thì mức độ chiết giảm do Tuần gây ra tương đối nhẹ nhàng, còn nếu cung Mệnh xấu, thì sự cứu vãn của Tuần cũng không được bao nhiêu. Những hung sát tinh cũng như những đúa con phá gia chi tử trong một gia đình bất hạnh. Họa chăng chỉ có người cha là triệt còn đủ uy lực để chế ngự, chứ còn mẹ Tuần thì không đủ sức.

Qua trung vận và hậu vận thì ứng vào cung Thân. Nếu cung Thân tốt mà có Triệt đóng thì cũng không gây ảnh hưởng gì đáng kể, có chăng chỉ là những trở ngại gây rắc rối lúc ban đầu mà thôi. Trường hợp nếu cung Thân xấu thì Triệt ở đây cũng như người nộm dùng để dọa chim chứ không có năng lực gì đáng kể. Như vậy, nếu người Mệnh Tuần Thân Triệt mà có cung Thân tốt đẹp thì về già cuộc đời cũng đạt được nhiều mãn nguyện. Trường hợp đối với những người Mệnh Triệt Thân Tuần thì cũng tương tự. Mức độ tốt xấu của cung Mệnh sẽ bị chiết giảm nhiều hơn, và sự ảnh hưởng này chỉ xảy ra trong khoảng tiền vận mà thôi. Rồi từ đó cho đến hết cuộc đời, ảnh hưởng của sự tốt xấu trên cung Thân chỉ ở mức độ ôn hoà. Như vậy đối với mẫu người Mệnh Triệt Thân Tuần thì thời gian thử thách nhất là thời thanh xuân, sau đó, nếu cung Thân tốt đẹp thì cuộc đời tương đối cũng được bình ổn. Tuy nhiên, người Mệnh Tuần Thân Triệt, hay Mệnh Triệt Thân Tuần cũng có những trường hợp đặc biệt như, nếu cung Mệnh hay cung Thân VCD mà có Tuần hay Triệt đóng thì tốt hơn là không có TT. Hoặc là cung Mệnh vừa có cả Tuần lẫn Triệt vừa thêm hai sao Thiên Không và Địa Không, tùy theo có bao nhiêu sao KHÔNG, chúng ta gọi là cách Mệnh VCD đắc nhị không, tam không hay tứ không, đều là những cách hoạch phát.

Hoặc là nếu TT đóng tại Mệnh hay Thân mà hai cung này VCD lại được Nhật Nguyệt hợp chiếu thì cũng rất tốt đẹp. Tóm lại, TT là hai sao đặc biệt nhất trong 118 sao của khoa Tử Vi, và cũng đã trở thành đề tài tranh luận rất nhiều. Nhưng tốt nhất là tùy theo kinh nghiệm thực tiễn mà mỗi người tự chọn cho mình một quan điểm riêng. Dù sao, khi nói đến TT, chúng ta đều thấy ảnh hưởng tốt xấu của hai sao này trên một lá số nào đó không phải là điều đơn giản. Giống như một người bị bệnh phải uống thuốc, như người bị chứng đau nhức phải uống thuốc giảm đau. Nhưng khi uống thuốc giảm đau nhiều thì lại sinh ra chứng đau bao tử, uống thuốc chữa bệnh đau bao tử nhiều thì lại sinh ra chứng bất lực.. Ảnh hưởng của TT cũng tương tự như vậy, giúp ta bên này thì phá bên kia, và có lẽ cái thâm sâu của khoa Tử Vi là ở chổ đó.

Rate this post
(Visited 10 times, 1 visits today)
Your comment
scroll