Phân tích cơ bản trong giao dịch Forex.

Top Các Sàn Forex Uy TínNhất

Phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật là hai trường phái phân tích lớn thường được các nhà giao dịch thường xuyên sử dụng trong các giao dịch của họ. Khác với phân tích kỹ thuật, phân tích cơ bản có ít công cụ phân tích và mỗi công cụ đều đòi hỏi người dùng phải có nhiều kiến thức về tài chính, kinh tế,… thì mới có thể sử dụng tốt được. Tuy nhiên, nếu các nhà giao dịch có thể vận dụng tốt các công cụ trong phân tích cơ bản thì sẽ mang lại được lợi nhuận cao và lâu dài hơn so với các công cụ phân tích kỹ thuật.

Chúng ta hãy cùng Langtufx tìm hiểu rõ hơn về phương pháp phân tích cơ bản trong bài viết này nhé!!

Phân tích cơ bản là gì?

Phân tích cơ bản trong thị trường tài chính là phương pháp xem xét tất cả dữ liệu có sẵn (kinh tế, địa lý, chính trị, các yếu tố xã hội, các sự kiện trong phiên giao dịch,…) để xác định giá trị tương đối của thị trường nhằm dự báo xu hướng biến động của giá cả trong tương lai.

Khi đã xác định được giá trị hiện tại của hàng hóa các trader có thể dự đoán được xu hướng trong tương lai của nó. Nếu bị định giá cao hơn, trong tương lai, thị trường sẽ điều chỉnh giá giảm. Ngược lại, nếu bị định giá thấp hơn, thị trường sẽ điều chỉnh tăng, sao cho tài sản quay về phản ánh đúng giá trị thực của nó.

Cơ sở của phân tích cơ bản.

Nguyên lý đầu tiên của phân tích cơ bản là đi tìm nguyên nhân của sự thay đổi giá cả vì các nhà phân tích cho rằng giá cả thay đổi đều có nguyên nhân của nó. Họ đi tập trung đi tìm những yếu tố có tác động đến giá cả thị trường.

Nguyên lý thứ hai là tập trung vào giá trị thực của tài sản và mối tương quan giữa giá trị thực với các yếu tố tài chính có thể đo lường được. Theo các nhà phân tích cơ bản thì tài sản đang bị định giá cao hay thấp hơn giá trị thực của nó thì nó cũng sẽ quay trở lại giá trị thực của mình mà thôi. Dựa vào đó, họ sẽ đi tìm giá trị thực của tài sản rồi so sánh với giá cả hiện tại của thị trường để tìm cơ hội đầu tư cho mình.

Phân tích cơ bản trong forex và trong chứng khoán.

Giống nhau:

Phân tích cơ bản trong Forex và chứng khoán giống nhau ở:

Mục đích: ở thị trường Forex và chứng khoán, phân tích cơ bản đều hướng đến mục đích cuối cùng là tìm ra giá trị thực của tài sản tài chính, từ đó xác định cơ hội đầu tư/giao dịch nếu nhận thấy sự chênh lệch lớn giữa giá trị nội tại và giá thị trường của tài sản.

Phương pháp: dù là thị trường nào hay tài sản tài chính nào thì phương pháp phân tích cơ bản cũng là nhận diện các yếu tố kinh tế, tài chính, xã hội vi mô, vĩ mô… có tác động đến giá cả đo lường mức độ và chiều hướng tác động dự báo chiều hướng biến động của giá dưới các tác động đó.

Khác nhau:

Đối tượng phân tích: ở thị trường chứng khoán, đối tượng phân tích chính là cổ phiếu. Còn trong forex, đối tượng phân tích rộng hơn, đa dạng hơn, bao gồm các cặp tỷ giá, vàng, chỉ số, cổ phiếu, tiền điện tử…

Công cụ phân tích: phân tích cơ bản chứng khoán sử dụng các công cụ mang tính chất vi mô, liên quan trực tiếp đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp như vị thế cạnh tranh, chính sách giá cả, chất lượng quản lý, sản xuất, mục tiêu sứ mệnh, khả năng lợi nhuận…. nhà đầu tư thường dựa vào các báo cáo tài chính, báo cáo thường niên và các tài liệu khác liên quan đến doanh nghiệp, đến ngành nghề để đánh giá các yếu tố này. Phân tích cơ bản trong forex thì hướng đến các yếu tố vĩ mô hơn, tác động trực tiếp đến tiền tệ của các quốc gia như lãi suất, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, GDP, … các yếu tố chính trị, xã hội…. nhà giao dịch sẽ sử dụng các báo cáo kinh tế, các văn bản công bố chính sách kinh tế, phát biểu của các nhà lãnh đạo, quyết định của ngân hàng trung ương… để theo dõi và đánh giá các yếu tố này.

Phương pháp giao dịch cơ bản trong Forex.

Các sản phẩm được giao dịch trên thị trường Forex rất phong phú, tuy nhiên các nhà giao dịch thường quan tâm nhiều đến các cặp tỷ giá chính có chứa đồng đô la Mỹ. Khi áp dụng phân tích cơ bản vào các cặp tiền này thì mục đích chính của các trader là xác định những yếu tố nào ảnh hưởng đến tỷ giá của đồng đô la Mỹ, mức độ và chiều hướng tác động của các yếu tố đó như thế nào. Vì đồng đô la Mỹ là đồng tiền chính và USD cũng là tiền tệ mạnh nhất, có ảnh hưởng lớn nhất đến tất cả các đồng tiền của các quốc gia khác nên phân tích cơ bản các cặp tiền trong forex, trader thường sẽ tập trung phân tích các yếu tố tác động đến đồng đô la Mỹ.

Các yếu tố tác động đến tỷ giá trong Forex. 

Có 3 yếu tố chính tác động đến giá trị tiền tệ của một quốc gia, bao gồm:

Các yếu tố kinh tế

Các yếu tố kinh tế gồm: lãi suất, lạm phát, GDP, tỷ lệ thất nghiệp… những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến đồng nội tệ của của quốc gia đó. Nên nếu các chỉ số đều tốt thì giá trị của đồng tiền đó sẽ tăng cao, còn nếu các chỉ số xấu thì giá trị của đồng tiền đó sẽ bị giảm đi.

Lãi suất

Lãi suất thường có mối quan hệ cùng chiều với giá cả của tiền tệ. Khi lãi suất tăng thì giá trị của tiền tệ đó cũng tăng, ngược lại khi lãi suất giảm thì giá trị của tiền tệ đó cũng giảm. Có rất nhiều loại lãi suất khác nhau nhưng trong phân tích cơ bản chúng ta chỉ cần quan tâm đến lãi suất chiết khấu mà thôi.

Lãi suất chiết khấu là lãi suất mà ngân hàng trung ương (NHTW) cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay, các NHTM sẽ lấy đó làm cơ sở để điều chỉnh và ấn định mức lãi suất cho vay đối với các cá nhân, tổ chức khác. Lãi suất chiết khấu tăng buộc các ngân hàng phải gia tăng tỷ lệ tiền dự trữ, dẫn đến số tiền cho vay sẽ giảm đi, lãi suất cho vay tăng lên, ngược lại, lãi suất chiết khấu giảm, các NHTM có thể thoải mái cho vay với lãi suất thấp. Khi các NHTM áp dụng lãi suất cho vay thấp, các doanh nghiệp sẽ vay nhiều hơn để mở rộng sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển, trong ngắn hạn có thể sẽ giúp đồng nội tệ tăng giá. Tuy nhiên, trong dài hạn, cho vay nhiều đồng nghĩa với lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường nhiều lạm phát đồng tiền mất giá , ngược lại, lãi suất tăng thì sẽ giúp cho đồng nội tệ tăng giá trong dài hạn.

Lạm phát

Lạm phát là tốc độ tăng giá chung của hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ như năm 2020 bạn mua 1 ly cà phê giá 10 nghìn, nhưng sang năm 2021 cũng ly cà phê như vậy nhưng bạn lại phải bỏ ra 15 nghìn để mua nó. Nguyên nhân là do lạm phát lượng tiền lưu thông quá nhiều, đồng tiền trở nên mất giá. Ngược lại, nếu lượng tiền lưu thông ít đi, giá cả hàng hóa giảm xuống thì giá trị của đồng nội tệ sẽ tăng lên.

Các ngân hàng trung ương cố gắng hạn chế lạm phát và tránh lạm phát, để giữ cho nền kinh tế quốc gia hoạt động ổn định. Họ làm điều này bằng cách tăng lãi suất. Ví dụ, khi các ngân hàng trung ương tuyên bố tăng lãi suất, điều này có thể dẫn đến sự tăng giá của đồng tiền tương ứng.

GDP – Tổng sản phẩm quốc nội

Tổng sản phẩm quốc nội là thước đo của tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một giai đoạn cụ thể. Các ngân hàng trung ương và các nhà đầu tư nhìn vào tăng trưởng GDP để xem nền kinh tế có mạnh hơn không. Khi nền kinh tế tăng lên, các công ty tạo ra lợi nhuận cao hơn và mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, điều này có khả năng dẫn đến thị trường chứng khoán tăng và tiền tệ tăng trưởng mạnh.

Mặc dù khi GDP tăng chứng tỏ quốc gia sản xuất nhiều nhưng nếu mức tiêu thụ kém thì cũng không thể khẳng định nền kinh tế đang phát triển. Khi phân tích tác động của GDP đến giá trị đồng nội tệ, các nhà phân tích sẽ xem xét thêm những yếu tố khác để so sánh 2 đại lượng cung – cầu, từ đó mới có thể kết luận được.

Tỷ lệ thất nghiệp

Tỷ lệ thất nghiệp và giá trị đồng nội tệ của một quốc gia có mối quan hệ nghịch chiều. Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, có nghĩa là nhiều lao động không có việc làm, nguyên nhân có thể do hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp yếu kém, không mở rộng sản xuất, bị ngưng trệ… dẫn đến sức khỏe nền kinh tế yếu đi giá trị đồng nội tệ giảm. Ngược lại, nếu tỷ lệ thất nghiệp giảm, chứng tỏ nhiều người lao động có việc làm hơn, doanh nghiệp sản xuất tốt, tăng quy mô, tăng lực lượng lao động… nền kinh tế phát triển tốt giá trị đồng nội tệ tăng.

Các yếu tố chính trị – xã hội

Các yếu tố chính trị – xã hội của một quốc gia sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị đồng nội tệ của quốc gia đó như: xung đột sắc tộc, chiến tranh quân sự, biểu tình, đình công,…

Chắc chắn rằng một quốc gia có bộ máy quản lý không tốt thì quốc gia đó không thể phát triển tốt được. Hay một quốc gia liên tục có những cuộc biểu tình, xung đột quân sự, bạo động… thì người dân sẽ không thể nào tập trung phát triển kinh tế được. Vậy nên các yếu tố chính trị- xã hội bất ổn sẽ làm suy yếu giá trị đồng nội tệ.

Sự kiện bầu cử tổng thống Mỹ là một trong những sự kiện quan trọng không chỉ ảnh hưởng đến nước Mỹ mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới. Kết quả của cuộc bầu cử này ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả trên thị trường vì những chính sách mà vị tân tổng thống đưa ra sẽ tác động đến đồng đô la Mỹ theo những chiều hướng khác nhau. Chính vì thế, đây là yếu tố chính trị mà không một nhà đầu tư, nhà giao dịch nào bỏ qua.

Các sự kiện bất ngờ

Bao gồm các yếu tố không thể dự báo và lường trước như thiên tai, bão lũ, động đất, sóng thần. Thông thường, khi các sự kiện bất ngờ mang tính tiêu cực như trên xảy ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế của quốc gia, từ đó làm giảm giá trị đồng nội tệ. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp, các sự kiện này rất khó để phân tích và dự báo chiều hướng tác động nên các nhà phân tích thường bỏ qua hoặc chỉ nhìn nhận kết quả sau khi nó đã xảy ra rồi.

Các công cụ phân tích cơ bản trong thị trường Forex.

Khi đã xác định được các yếu tố tác động đến tỷ giá tiền tệ thì bây giờ chúng ta cần theo dõi và cập nhật liên tục những tin tức. Vậy phải theo dõi các tin tức ở đâu và làm thế nào để các trader có thể theo dõi các tin tức một cách nhanh chóng và chính xác nhất?

Đối với các chỉ số kinh tế như lãi suất, lạm phát, GDP, tỷ lệ thất nghiệp… các bạn có thể theo dõi các chính sách tiền tệ và các chính sách, công bố tài chính khác của NHTW, Bộ tài chính của các quốc gia. Những chính sách này sẽ được công bố sau các cuộc họp quan trọng của NHTW, có thể là các cuộc họp định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo dõi chúng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng chính thống như truyền hình, các kênh thông tin điện tử, cổng thông tin trực tuyến uy tín của các quốc gia.

Trên thị trường forex, các đồng tiền chính bao gồm USD, EUR, GBP, JPY, AUD, CAD, CHF, NZD nên các trader sẽ thường xuyên theo dõi các công bố của NHTW các quốc gia này, bao gồm FED, ECB, BoE, BoJ, RBA, BoC, SNB và RBNZ.

Các phương tiện truyền thông chính thống của Mỹ mà các bạn nên thường xuyên theo dõi các tin tức kinh tế, tài chính như Bloomberg, CNN, Fox News, CBS…

Đối với các yếu tố chính trị – xã hội, các bạn có thể theo dõi qua các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí, các trang mạng xã hội… để nắm bắt tin tức kịp thời và chính xác.

Lịch kinh tế – Economic Calendar.

Đối với các nhà giao dịch theo trường phái phân tích cơ bản thì lịch kinh tế là một công cụ rất quan trọng và không thể thiếu trong mỗi lần phân tích.

Lịch kinh tế sẽ công bố tất cả các chính sách kinh tế, yếu tố kinh tế của các quốc gia trên thế giới trong quá khứ, hiện tại và dự đoán trong tương lai. Những chính sách này có ảnh hưởng trực tiếp đến giá cả nội tệ của quốc gia đó.

Lịch kinh tế có tất cả những tin tức của các quốc gia trên thế giới, nhưng nếu bạn chỉ quan tâm đến tin tức của các cặp tiền tệ chính mà bạn giao dịch thì lịch kinh tế cũng có chức năng lọc dữ liệu giúp bạn có thể tìm được thông tin mình cần một cách nhanh và chính xác nhất.

Tầm quan trọng của sự kiện và các giá trị của tin tức là hai yếu tố quan trọng cần được lưu ý khi xem tin tức.

Màu đỏ, màu cam, màu vàng thể hiện mức độ quan trong và tác động của tin tức đó với các đông tiền của quốc gia. Trong phân tích cơ bản các nhà phân tích chỉ quan tâm đến các tin tức có màu đỏ và màu cam

Khi tin tức được công bố cũng là lúc giá trị thực tế được công bố, các nhà giao dịch sẽ so sánh giá trị thực tế với giá trị được dự báo từ trước, phân tích chiều hướng tác động của tin tức đến tiền tệ, từ đó kết luận về xu hướng biến động của giá.

Nếu một tin tức có mức độ tác động mạnh đến tiền tệ nhưng giá trị thực tế và dự báo không quá khác biệt thì kỳ vọng về sự biến động lớn của giá cả thường sẽ không xảy ra.

Các tin tức quan trọng trên Lịch kinh tế mà các bạn phải theo dõi đó là quyết định lãi suất, công bố lạm phát, bản tin Non-farm (có tỷ lệ thất nghiệp) và các bài phát biểu của thống đốc các NHTW, các văn bản công bố của FED, FOMC…

Có nên sử dụng phân tích cơ bản trong Forex không?

Đối với thị trường chứng khoán, phân tích cơ bản là phương pháp phân tích rất quan trọng mà bất cứ nhà giao dịch chứng khoán nào cũng đều sử dụng đến. Vì những yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến giá cổ phiếu, và trong chứng khoán thì khả năng tiếp cận những công cụ này cũng dễ dàng hơn nhiều so với thị trường chứng khoán. Còn trong thị trường forex, việc tiếp cận phương pháp phân tích cơ bản sẽ khó hơn rất nhiều do liên quan đến nhiều yếu tố kinh tế vĩ mô, mà để phân tích được những yếu tố này một cách ngọn ngành nhất thì đòi hỏi nhà đầu tư, nhà giao dịch phải có kiến thức chuyên sâu hơn, am hiểu nhiều hơn đến nền kinh tế của các quốc gia.

Một new trader có nên lựa chọn phân tích cơ bản làm phương pháp giao dịch chính?

Theo Langtu thì tùy vào phong cách giao dịch củ mỗi trader mà chúng ta sẽ chọn cho mình một phong cách giao dịch sao cho phù hợp nhất.

Nếu bạn là một người có nhiều kiến thức về kinh tế, xã hội, tài chính và bạn chọn cho mình phong cách giao dịch dài hạn hoăc trung hạn thì các bạn có thể chọn phương pháp phân tích cơ bản. Còn nếu các bạn không tự tin với những kiến thức của mình thì phân tích cơ bản hoàn toàn không phù hợp với bạn .

Nếu là một nhà giao dịch thông minh họ thường kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật để có thể đạt đươc kết quả tốt nhất trong các giao dịch của họ. Phân tích cơ bản giúp các trader dự đoán xu hướng trong dài hạn, phân tích kỹ thuật sẽ giúp các trader có được tín hiệu giao dịch tiềm năng trong ngắn hạn.

Các nhà giao dịch nên làm gì trước giờ tin ra?

Trước giờ những tin tức quan trong sắp ra thì các nhà giao dịch chuyên nghiệp thường không tham gia vào thị trường mà đứng ngoài quan sát, vì khi một tin tức quan trọng được công bố thị trường thường biến động rất mạnh. Nếu thị trường đi đúng hướng bạn giao dịch thì lợi nhuận mang lại sẽ rất lớn, nhưng nếu ngược lại thua lỗ chỉ trong tích tắc, thậm chí là cháy cả tài khoản.

Còn có những trader chờ khi tin tức được công bố họ sẽ xác định tin tức đó có chiều hướng biến động theo chiều hướng nào rồi mới giao dịch. Trường hợp này cũng khá mạo hiểm vì khi tin tức được công bố cũng có một số trường hợp thị trường biến động không theo tin tức đã công bố. Đòi hỏi trader phải có nhiều kinh nghiệm và phản ứng nhanh nhạy.

Tổng kết

Tuy phương pháp phân tích cơ bản trong Forex không hề dễ và không phải ai cũng có thể áp dụng được vì nó đòi hỏi nhà giao dịch phải có lượng kiến thức sâu rộng. Tuy nhiên, nếu áp dụng được thì hiệu quả mà phương pháp này mang lại hiệu quả cao trong các giao dịch của bạn.

CHÚC CÁC BẠN GIAO DỊCH THÀNH CÔNG.

5/5 - (1 bình chọn)
(Visited 338 times, 1 visits today)
Your comment
scroll